Sôi động thị trường BĐS Khu Công Nghiệp Bắc Bộ dịp cuối năm
Trong báo cáo tóm tắt thị trường bất động sản Việt Nam quý 3/2018 vừa mới công bố, JLL - tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp - cho rằng, tới đây thị trường khu công nghiệp Bắc Bộ nguồn cầu sẽ tiếp tục tăng.
Theo JLL, đối với nguồn cung mới, tính tới quý 3/2018, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê được ghi nhận trên toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (“NKEZ”) là 12,260 ha, tăng gần 8% tổng nguồn cung cho thuê so với quý 1/2018.
Trong đó, Hải Phòng và Bắc Ninh không thay đổi vị trí dẫn đầu về nguồn cung đất công nghiệp, đóng góp 53% tổng nguồn cung. Cùng với vốn FDI đầu tư mạnh vào Việt Nam gần đây, các tỉnh này tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của mình bằng việc mở rộng thêm nguồn cung đáng kể với vị trí thuận lợi và hệ thống cảng biển được thiết lập tốt.
Sôi động thị trường BĐS Khu Công Nghiệp Bắc Bộ dịp cuối năm. (Ảnh: Internet)
Xét về nguồn cầu, đã có những lợi thế đáng kể như khả năng tiếp cận với các thị trường lớn, cơ sở hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ tốt hơn từ Chính phủ. Đáng lưu ý, Bắc Ninh và Hải Phòng vẫn là những điểm đến thích hợp nhất cho đầu tư công nghiệp. Hiệu suất hoạt động của nhà xưởng xây sẵn tốt do nguồn cung hạn chế.
JLL cho biết, giá thuê đất trung bình trong quý 3/2018 đạt 82 USD/m2/thời hạn thuê, tăng gần 9% so với quý 1/2018. Trong đó, do nguồn cung hạn chế, giá thuê trung bình của Hà Nội tăng đáng kể lên 137 USD/m2/thời hạn thuê, cao nhất trong số các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Giá thuê hàng tháng của nhà xưởng dao động khoảng từ 3 USD đến 5,7 USD/m2/tháng tối thiểu từ 3 - 5 năm. Nhìn chung, giá thuê đất có mức tăng trưởng tốt.
Đánh giá về triển vọng thị trường khu công nghiệp Bắc Bộ, JLL cho biết, dự kiến thị trường phía Bắc sẽ chào đón khoảng 19,322 ha đất công nghiệp đến năm 2020, chủ yếu từ Hải Phòng, Hải Dương và Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, nguồn cầu sẽ tiếp tục tăng, trong đó cả hai loại hình đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn/nhà kho sẽ vẫn được chào đón do vốn đầu tư FDI tăng mạnh, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Trong đó, nhu cầu từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang, dẫn đến kết quả là các nhà sản xuất Trung Quốc phải tìm kiếm địa điểm mới để sản xuất.