Quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, đất ở - Luật Đất đai 2013
Pháp luật đất đai hiện hành có rất nhiều các quy định trong đó quy định về hạn mức giao đất có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo sự công bằng về đất đai, sở quyền sử dụng đất của toàn dân. Các quy định sẽ xác định rõ hạn mức đất ở, đất nông nghiệp ở từng khu vực cụ thể. Đồng thời, xác định điều kiện nhập tách thửa đất.
1. Hạn mức giao đất là gì? Ý nghĩa hạn mức đất ở, đất nông nghiệp
Hạn mức giao đất là gì? Hạn mức giao đất được hiểu là diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân được phép sử dụng tối đa do được nhà nước giao, nhận chuyển nhượng hợp pháp từ người khác do khai hoang.
Hiện nay, hạn mức giao đất theo quy định gồm có 2 loại đó là hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức giao đất thổ cư – đất ở.
Việc quy định về hạn mức giao đất ở, đất nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm:
- Đảm bảo sự công bằng về quyền sử dụng đất cho người sản xuất nông nghiệp hay đất ở, tạo cân bằng cho sự phát triển xã hội.
- Tránh sự tích tụ tập trung đất đai quá lớn làm ảnh hưởng tới quỹ đất chung của người khác và tích lũy đầu cơ dẫn tới phân hóa giai cấp.
Chính vì vậy, những quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp hay thổ cư đều cho phép tích tụ và tập trung đất nhưng phải trong mức quy định. Hạn mức giao đất sẽ là căn cứ xác định hạn mức chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức.
Quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, đất ở theo Luật Đất đai 2013
2. Quy định hạn mức giao đất ở, đất nông nghiệp theo Luật đất đai 2013
2.1. Quy định về hạn mức giao đất ở
Hạn mức giao đất ở hay hạn mức đất ở khác với các quy định về hạn mức đất nông nghiệp bởi nếu như hạn mức đất nông nghiệp phân theo từng loại đất nông nghiệp khác nhau và khu vực xác định là phân theo đồng bằng, miền núi trung du… Thì hạn mức giao đất ở sẽ tuân thủ theo các quy định về hạn mức sử dụng đất ở tại từng địa phương.
Quy định về hạn mức đất ở theo Luật đất đai 2013 xác định sẽ phụ thuộc vào từng địa phương theo đơn vị hành chính tỉnh như sau:
2.1.1.Hạn mức đất ở tại nông thôn
Điều 143 quy định về đất ở nông thôn và thẩm quyền quyết định hạn mức sử dụng giao đất ở nông thôn là:
- Đất ở nông thôn bao gồm: Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Thẩm quyền quyết định hạn mức giao đất ở cho cá nhân, hộ gia đình ở nông thôn:
Khoản 2 Điều 143 Luật đất đai quy định: Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.
Việc phân bổ đất ở tại nông thôn trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đồng bộ với quy hoạch các công trình công cộng, công trình sự nghiệp bảo đảm thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân, vệ sinh môi trường và theo hướng hiện đại hóa nông thôn.
Đồng thời cũng khuyến khích việc Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho những người sống ở nông thôn có chỗ ở trên cơ sở tận dụng đất thuộc khu vực dân cư có sẵn và hạn chế mở rộng đất ở trên đất nông nghiệp thông qua hình thức chuyển mục đích sử dụng đất.
Quy định hạn mức giao đất ở, đất nông nghiệp theo Luật đất đai 2013
2.1.2. Hạn mức đất ở tại đô thị
Điều 144 Luật Đất đai 2013 quy định về hạn mức đất ở đô thị như sau:
“1. Đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đất ở tại đô thị phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị hiện đại.
3. Nhà nước có quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại đô thị, có chính sách tạo điều kiện để những người sống ở đô thị có chỗ ở.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở.
5. Việc chuyển đất ở sang đất xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn, bảo vệ môi trường đô thị.”
Như vậy UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có thẩm quyền quyết định hạn mức đất ở đô thị thông qua quyết định.
Về cơ bản để xác định diện tích đất ở thuộc hạn mức sử dụng thì sẽ căn cứ vào quyết định về hạn mức đất ở theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực để xác định là đất trong hạn mức hay ngoài hạn mức nhằm xác định xem có được tách thửa, dồn thửa hay thực hiện các nghĩa vụ tài chính nếu có.
Ví dụ:
- Hạn mức đất ở Hà Nội hiện nay 2018 sẽ thực hiện theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội hay nhiều người vẫn nhầm và thường gọi là nghị định 20 quy định về việc: Ban hành quy định về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiệu lực thi hành nghị quyết tính từ ngày 11/6/2017 tới khi có quyết định khác thay thế.
- Hạn mức đất ở tphcm hiện nay 2018 sẽ thực hiện theo Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND về hạn mức đất ở trên địa bàn Hồ Chí Minh.
Trường hợp vượt hạn mức tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì người có đất quá hạn mức sẽ chịu các quy chế riêng.
Những quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp
2.2. Những quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp
2.2.1. Hạn mức sử dụng đất nông nghiệp
Các quy định về hạn mức giao đất ở được luật Đất đai 2013 nêu rõ tại Điều 129 như sau:
a) Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân, hộ gia đình:
- Không quá 3 héc ta (ha) cho mỗi loại đất đối với mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
b) Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân, hộ gia đình:
- Không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng
- Không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
c) Hạn mức giao đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta
d) Nếu hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 ha.
đ) Nếu hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức:
- Đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;
- Đất trồng cây lâu năm không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
e) Nếu hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.
f) Đối với trường hợp đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất theo từng loại trên và sẽ không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình thuộc các nhóm trên đã được giao trước đó.
g) Hạn mức giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo quy định tương tự với loại đất ở vùng khác khu vực này
h) Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân.
Mặt khác, luật không quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Những diện tích đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình được do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê sẽ không phải tính vào hạn mức giao đất.
2.2.2. Thẩm quyền quy định hạn mức giao đất trong một số trường hợp
UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định: Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trên đây là tổng hợp những quy định về hạm mức giao đất nông nghiệp, hạn mức đất ở theo quy định Luật Đất đai 2013. Mong rằng bạn đọc sẽ có được cái nhìn toàn cảnh về quy định hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, đất ở. Đồng thời, dễ dàng tìm hiểu về hạn mức giao đất thuộc nhóm đất mà mình đang sở hữu.
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm nhiều thông tin về pháp luật đất đai, nhà ở qua các bài viết tư vấn tại ancu.me.