menu

Dòng tiền Trung Quốc ồ ạt chảy vào thị trường BĐS Việt Nam

08:29 - 05/11/2018
Dòng vốn từ Đài Bắc và Trung Quốc đại lục đang hiện diện mạnh mẽ trong các thương vụ mua bán, chuyển nhượng (M&A) trên thị trường BĐS Việt Nam.

Dù chưa đủ sức chen chân vào Top đầu, nhưng dòng vốn từ Đài Bắc (Trung Hoa) và Trung Quốc đại lục đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ trong các thương vụ mua bán, chuyển nhượng (M&A) trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Nhiều thương vụ khủng

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10, cả nước có 2.458 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 15 tỷ USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Có 954 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 6,5 tỷ USD, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong 10 tháng đầu năm 2018, cả nước có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 6,3 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ 2017.

Tính chung trong 10 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài là 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực.

Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, dòng vốn từ Trung Quốc và Đài Bắc (Trung Hoa) đang đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường bất động sản TP.HCM và các đô thị vệ tinh.

Chẳng hạn, Công cổ phần Phát triển Bất động sản Alpha King Việt Nam (công ty con của Alpha King Investment Limited, Hồng Kông - Trung Quốc) đang đầu tư dự án cao ốc phức hợp Ngân Bình (Golden Hill) tại số 87 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM, có diện tích 8.320m2. Dự án này đã được UBND TP.HCM cấp phép năm 2008 với 2 block cao 35 tầng và 4 tầng hầm.

Alpha King cũng đổ tiền thâu tóm dự án tại số 289 Trần Hưng Đạo và 74 đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Khu đất này trước đây do Công ty Đức Khải làm chủ đầu tư với tên gọi Momentum Tower và hiện đã đổi tên là Alpha Town. Dự án rộng 4.261,7 m2, mật độ xây dựng khối đế 69,86% và khối tháp 41,96%, hệ số sử dụng đất được phê duyệt là 12,94 lần.

Dòng tiền Trung Quốc ồ ạt chảy vào thị trường BĐS Việt Nam

Dòng tiền Trung Quốc ồ ạt chảy vào thị trường BĐS Việt Nam

Một khu đất vàng khác cũng về tay Alpha King là dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 trước đây có tên là Sài Gòn Mê Linh Tower. Dự án được duyệt xây tháp đôi 48 tầng và 36 tầng, 3 tầng hầm với tổng mức đầu tư 2.423 tỷ đồng, trên khu đất rộng khoảng 6.000 m2. Năm 2008, UBND TP.HCM đã quyết định giao khu đất vàng này cho Sabeco mà không tổ chức đấu giá.
Để triển khai đầu tư dự án này, năm 2015, Sabeco góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl.

Khi đó, Sabeco Pearl có vốn điều lệ gần 484,7 tỷ đồng, gồm có 4 cổ đông sáng lập là Sabeco, Công ty cổ phần Đầu tư Mê Linh, Công ty cổ phần Attland và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An.

Năm 2016, Sabeco đã thoái toàn bộ 26% vốn tại Sabeco Pearl. Hồi đầu tháng 2/2018, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán về tình hình tài chính, hoạt động quản lý tài sản Nhà nước, sử dụng vốn năm 2016 của Sabeco.

Từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã lộ diện khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng giao cho doanh nghiệp này trước đây, qua những lần chuyển nhượng cổ phần đã thuộc về Alpha King.

Hồi cuối tháng 4/2018, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG), ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NLG cho biết, Dự án Waterpoint ở Long An rộng 350 ha là lợi thế lớn về quỹ đất của doanh nghiệp, đang được một nhà đầu tư trong nước và Trung Quốc ngỏ ý mua đứt.

Waterpoint Long An đã có quy hoạch 1/2.000, đền bù 99%, nộp tiền sử dụng đất khoảng 95% từ năm 2009. Dự án ước tính có vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD và NLG có kế hoạch chia nhỏ để phát triển dần.

Lúc đó, ông Quang khẳng định, dù có nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua dự án, nhưng Nam Long không vội vàng bán, mà sẽ cân nhắc các đề nghị.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2018 của NLG cho thấy, Nam Long đạt doanh thu hơn 1.330 tỷ đồng, tăng 253% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ chuyển nhượng 130 ha Dự án Waterpoint cho một đối tác Trung Quốc.

Trong khi đó, Tập đoàn P.H Group của Đài Bắc (Trung Hoa) cũng đã mua Khu công nghiệp Bàu Bàng từ Becamex tại Bến Cát, Bình Dương. Tập đoàn P.H Group cũng tiếp tục hoàn tất thương vụ mua dự án khách sạn Future Otis tại Nha Trang.

Tương tự, Hong Kong Land đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở của Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

Nhiều cơ hội sinh lời

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) xác nhận, dòng tiền từ Trung Quốc và Đài Bắc (Trung Hoa) ngày càng chiếm thế thượng phong trong các thương vụ M&A dự án bất động sản tại Việt Nam. Nguyên nhân là Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản đang là kênh đầu tư tương đối hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Công ty Savills Việt Nam, trong thời gian qua, thị trường bất động sản đã lần lượt chứng kiến những nước cờ mang tính chiến lược của các nhà đầu tư, gồm cả M&A và hợp tác phát triển. Trong đó, dòng vốn của các quỹ đầu tư Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa) đang trỗi dậy mạnh mẽ.

“Hoạt động tưng bừng của M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam với quy mô từ lớn đến nhỏ chính là một minh chứng cho sự tín nhiệm cao vào đà tăng trưởng và một chu kỳ phát triển mới bền vững. Với tầm nhìn một Việt Nam sở hữu nhiều cơ hội và tiềm năng, M&A sẽ tiếp tục là một hình thức mà đại đa số những nhà đầu tư sẽ dùng để tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhằm hiện thực hóa mục tiêu của họ”, ông Khương nói.

Còn ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư gốc Á đang có hoạt động cực kỳ sôi nổi tại thị trường bất động sản Việt Nam. Họ chuộng phân khúc cao cấp, hạng sang, nên đặc biệt săn lùng quỹ đất vàng và xu hướng này sẽ còn tăng.

Sự tương đồng về văn hóa cũng là lý do thuận lợi để họ đẩy nhanh tốc độ phát triển dự án ở đây.

“Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang là môi trường tốt cho tỷ suất lợi nhuận mà các đại gia này nhắm tới. Thậm chí, cơ hội tăng trưởng tài chính của các đại gia này còn được mở ra thông qua việc cung ứng ngồn vốn với lãi suất cao cho các doanh nghiệp trong nước thông qua liên kết.

Hiện tại, lãi suất cho vay đối với bất động sản ở Việt Nam được đánh giá là quá cao so với các thị trường lân cận”, ông Lâm giải thích.

Theo ông Lâm, phạm vi hoạt động của khối ngoại đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Ở chiều rộng là về mặt địa lý, họ nhắm đến đất vàng tại các đô thị có tốc độ phát triển mạnh mẽ hoặc các thủ phủ du lịch nghỉ dưỡng.

Còn về chiều sâu, đặc tính, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa) đang mở rộng nhiều dòng sản phẩm và phân khúc khác nhau, từ thị trường nhà ở cao và thấp tầng đến bất động sản thương mại, dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và giải trí với tiêu chuẩn rất cao.

Thậm chí, họ còn nhắm đến thị trường tài chính liên quan đến bất động sản.

Tin nổi bật
Tin mới nhất