menu

Giải bài toán an toàn, lợi ích của "chung cư nát" TPHCM ra sao?

10:29 - 12/12/2018
TPHCM: Bài toàn về lợi ích, an toàn của các bên đối với các khu "chung cư nát" với tuổi đời trên 50 năm giải như thế nào?

Những khu chung cư cũ nát với tuổi đời trên 50 năm tuổi tại các quận trên địa bàn TPHCM không đảm bảo an toàn, mỹ quan và chất lượng cuộc sống đang rất cần có được bài toán giải quyết hợp lý, hài hòa giữa giữa các bên từ dân cư tới chủ đầu tư.

Bất an trong “tổ ấm”

Chung cư 149-151, đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 10 - một trong những chung cư “già cỗi”, hư hỏng nặng - hiện có 21 hộ với hơn 100 người đang sống trong sự bất an khi công trình đã xuống cấp. Mặc dù đã được sửa sang tạm thời cách đây không lâu nhưng tình trạng hư hỏng vẫn trầm trọng, nguy cơ mất an toàn cao. Hiện chung cư này được cơ quan chức năng kiểm định và xếp loại cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất, tức kết cấu của công trình không bảo đảm khả năng chịu lực, cần di dời các hộ dân khẩn cấp.

 thống thang dây được lắp trên tầng thượng chung cư 155-157, đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1

Hệ thống thang dây được lắp trên tầng thượng chung cư 155-157, đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Men theo lối cầu thang chính dẫn đến các dãy phòng của chung cư, lan can cầu thang rung lắc, gỉ sét có thể đổ gãy bất cứ lúc nào. Các cánh cửa ra vào, cửa sổ đều mục nát, xiêu vẹo. Nhiều mảng tường xuất hiện những vết nứt, thấm, bong tróc trơ cốt thép... Trong căn hộ ẩm mốc, tồi tàn, bà Hiền (57 tuổi) than thở: “Tôi là công nhân đã nghỉ hưu, sống ở đây cũng mấy chục năm rồi, vào mùa mưa nước thấm từ trên trần nhà xuống bốc mùi khó chịu... Gia đình tôi chỉ có chỗ này để nương thân, che mưa, che nắng, giờ ở cũng không được mà đi cũng không xong”. Còn bà Vũ Thị Lan (71 tuổi) sống trong căn hộ ở tầng 1 bày tỏ: “Tôi già rồi, mắt kém, chân tay yếu, đi lại khó khăn, có chuyện gì xảy ra thì không biết phải xoay xở thế nào”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chung cư 155-157 (đường Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) với mức độ hư hỏng cũng thuộc cấp D. Chung cư này có quy mô gồm tầng trệt, 6 tầng lầu và sân thượng. Điều đặc biệt là chung cư nằm ngay mặt tiền phố Bùi Viện - phố đi bộ sầm uất bậc nhất TP Hồ Chí Minh. Lần theo cầu thang bộ nhỏ hẹp, tối om, chúng tôi vào bên trong chung cư với cảm giác bất an... Lên đến tầng thượng, chúng tôi gặp em Nguyễn Hồ Quốc Cường - hiện là sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - đang thuê một căn hộ tại đây. 

Cường chia sẻ: “Biết là chung cư xuống cấp, không an toàn nhưng do ở ngay trung tâm quận 1, tiện việc học hành, giá thuê lại rẻ nên em đành gạt nỗi sợ hãi mà bám trụ nơi này”. Để bảo đảm an toàn khi có sự cố cháy, nổ, cư dân chung cư đã tự lắp đặt hệ thống thang dây thoát hiểm trên tầng thượng. Chỉ dẫn cho chúng tôi, Cường nói: “Thang dây này được lắp đặt lâu lắm rồi, nhưng may là chưa sử dụng lần nào”.

Sau khi chia tay Cường, chúng tôi xuống tầng 1 gặp bà Hanh - một hộ dân tại chung cư. Qua trao đổi, bà Hanh cho hay: “Với tình trạng chung cư ngày càng xuống cấp như hiện nay, chúng tôi cũng mong sớm triển khai dự án phá dỡ xây dựng lại, để cư dân có một căn hộ mới hiện đại, chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, cần có sự bảo đảm về việc bồi thường hoặc tái định cư để gia đình tôi và các hộ dân khác yên tâm hơn”.

Gấp rút di dời, xây mới

Trò chuyện với cư dân ở các chung cư cũ nát, chúng tôi nhận thấy, phần lớn người dân đều ý thức mức độ nguy hiểm của công trình và mong muốn có nơi ở an toàn. Song một trong những lý do chính khiến họ cố bám trụ lại là do chính sách bồi thường, tái định cư, bảo đảm quyền lợi của các hộ dân chưa rõ ràng. Phần lớn cư dân đều có nguyện vọng được tái định cư tại chỗ sau khi chung cư được xây dựng mới vì thiếu niềm tin về chất lượng sống tại nơi ở mới và không muốn thay đổi các điều kiện sinh hoạt khác như học tập, làm việc… Nhiều cư dân kiến nghị, việc cải tạo, xây mới chung cư cũ phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, cần xem đây là mục tiêu an sinh xã hội, qua đó chỉnh trang đô thị chứ không chỉ vì mục đích lợi nhuận của chủ đầu tư.

Trước thực tế trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao UBND các quận có chung cư hư hỏng cấp D, trước mắt phải khẩn trương có phương án di dời ngay các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tại các chung cư này để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Trường hợp không chấp hành, lãnh đạo địa phương cần kiên trì tiếp xúc, vận động, thuyết phục, giải thích để người dân hiểu yêu cầu bảo đảm an toàn là trên hết. Hiện trên địa bàn thành phố có 13 chung cư cấp D cần phải di dời khẩn cấp. Để đẩy nhanh tiến độ xây mới 13 chung cư này, UBND TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho Sở Xây dựng tham dự hội nghị nhà chung cư với tư cách là đại diện chủ sở hữu phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước và biểu quyết lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy thời gian qua lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp nhưng tiến độ đầu tư xây mới các chung cư cấp D còn chậm. Lý giải về thực tế này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trình tự thủ tục để thực hiện đầu tư xây dựng mới phải tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Theo đó, trường hợp 100% chủ sở hữu chung cư đồng ý tháo dỡ, xây dựng mới rất khó thực hiện bởi đa phần người dân sống tại các chung cư hư hỏng có tâm lý “nửa muốn đi, nửa muốn ở lại”.

Để giải quyết khó khăn này, TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và bước đầu đã cho thấy kết quả tích cực. Cụ thể, thành phố đã thỏa thuận, di dời được 441 hộ dân tại 11 chung cư (trong đó đã di dời toàn bộ tại 7 chung cư với 375 hộ). Thành phố sử dụng 582 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước để bố trí tạm cư cho các trường hợp chung cư cấp D trên địa bàn quận 1, 5, 6, 8.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, đến năm 2020, thành phố phấn đấu hoàn thành di dời 936 hộ dân của 15 chung cư cũ. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh các chung cư hư hỏng nặng được thành phố ưu tiên xây dựng mới, còn nhiều chung cư cũ, xuống cấp khác nằm rải rác trên địa bàn các quận. Để bảo đảm an toàn, UBND thành phố cũng ủy quyền cho UBND các quận thực hiện thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn. Sở Xây dựng và các địa phương đang nỗ lực, tìm mọi giải pháp để hoàn thành kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Tin nổi bật
Tin mới nhất