Lộ diện những “đầu tàu” dẫn dắt thị trường bất động sản phía Nam
Diễn biến của thị trường địa ốc các tỉnh phía Nam thời gian gần đây đã lộ diện những khu vực được các chuyên gia dự báo sẽ là tâm điểm cho “cuộc chơi lớn” sắp tới.
Nhìn từ những cuộc “đổ bộ” của đại gia
Theo các chuyên gia, xét ở góc độ hấp dẫn, TP HCM vẫn là thị trường số 1 của bất động sản phía Nam. Tuy nhiên, khoảng cách về mức độ hấp dẫn giữa TP HCM so với các khu vực lân cận thời gian qua đã rút lại, trong đó Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” mới của thị trường. Sức hấp dẫn của các khu vực này trước hết nhìn vào dòng vốn của các “đại gia” địa ốc đang đổ vào.
Tại thị trường Đồng Nai, thời gian qua đã chứng kiến nhiều đại gia địa ốc ráo riết chuyển dòng vốn đầu tư vào đây. Những tên tuổi lớn trong và ngoài nước như Amata (Thái Lan), VinaCapital (Singapore), DFLC, Hưng Thịnh… đang đẩy nhanh tiến độ thi công các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Quỹ đất lớn và giá mềm là một trong những lợi thế lớn của bất động sản Đồng Nai.
Trong đó, Tập đoàn Amata rót hơn 2,6 tỷ USD phát triển Dự án Amata City Biên Hòa quy mô lên đến 700 ha. Tập đoàn Hưng Thịnh chính thức giới thiệu ra thị trường Dự án Bien Hoa New City tại TP. Biên Hòa rộng hơn 100 ha, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Mới đây nhất, một đại gia địa ốc lớn đến từ châu Á cũng đã thâu tóm dự án khu đô thị có quy mô rộng hơn 500 ha tại Nhơn Trạch. Song song đó, các dự án như Swan City, Đông Sài Gòn, Nhơn Trạch City, Khu phức hợp Long Thanh Bay, dự án Khu đô thị chuyên gia Victory Long Thành, Dự án Mega City rộng gần 90 ha của Địa ốc Kim Oanh… cũng đang xây dựng rầm rộ.
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã tiếp 14 tập đoàn đa quốc gia từ Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Anh, Ailen, Đức và Thái Lan đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đồng Nai. Đây là các tập đoàn chuyên về lĩnh vực vui chơi, giải trí, du lịch, bất động sản, xây dựng hạ tầng, thiết kế, logistics. Các tập đoàn đến Đồng Nai lần này là muốn đầu tư một trung tâm vui chơi giải trí phức hợp rộng hơn 200 ha (gồm có khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khách sạn 5 sao, nơi triển lãm) tại Khu đô thị mới Long Hưng (TP. Biên Hòa) để thu hút khách trong và ngoài nước.
Cùng với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu trong và ngoài nước với dòng vốn lên đến hàng tỷ USD. Gần đây nhất, Công ty TNHH Hồ Tràm đã được chấp thuận cho phép xây dựng Sân bay Lộc An, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không phục vụ cho khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm. Diện tích dự kiến xây dựng sân bay là 244,33 ha. Trong đó, có 47,55 ha thuộc địa phận xã Lộc An và 196,78 ha thuộc xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Kinh phí khoảng 4.250 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn cho phép xây dựng Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm, với diện tích 164 ha tại huyện Xuyên Mộc với tổng số vốn đăng ký 4,23 tỷ USD, có kinh doanh Casino.
Bờ biển dài hàng trăm kilomet đã tạo cho Bà Rịa - Vũng Tàu một lợi thế rất lớn để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Gia Huy
Tương tự, mới đây Công ty Korea Infrastructure Company Limited (Hàn Quốc) cho biết, sẵn sàng đầu tư 3,2 tỷ USD Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Paradise và Khu đô thị mới Bàu Trũng nếu được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận.
Ngoài những nhà đầu tư ngoại, Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua cũng chứng kiến sự vào cuộc của các đại gia lớn trong nước. Mới đây, Tập đoàn BRG đề xuất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư dự án khu Lam Sơn, Bãi Trước, TP. Vũng Tàu. Dự án có quy mô khoảng 10,88 ha, với tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng, gồm 6 tòa tháp cao tầng, trong đó có các khách sạn 5 sao quốc tế...
Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu của đại gia Đào Hồng Tuyển cũng đề xuất dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Còn nguồn tin từ Tập đoàn Hưng Thịnh Corp cho biết, đã rót cả ngàn tỷ đồng để mua lại thành công 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu, dự kiến sẽ triển khai thời gian tới. Hay như Công ty Bất động sản Danh Khôi cũng đã nhanh chân “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa để phát triển thành khu đô thị mang tên Barya Citi. Tập đoàn Novaland cũng tham gia đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu với Dự án Palm Beach Vũng Tàu, hay Công ty Phúc Điền Land với Dự án Golden City, Công ty Địa ốc Việt Hân đang triển khai 2 dự án lớn có tổng mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD…
Lợi thế hạ tầng và “giá mềm”
Theo phân tích của giới chuyên môn, sở dĩ Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư, kinh doanh địa ốc xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó 2 yếu tố quan trọng nhất là sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và giá bất động sản còn “mềm” so với những khu vực khác.
Nằm trong vùng tứ giác kinh tế trong điểm phía Nam, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu hưởng trọn lợi thế của hàng loạt dự án hạ tầng phát triển của cả phía Nam. Chẳng hạn, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng đã chính thức đưa vào sử dụng, sắp tới đây, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng được đưa vào sử dụng. Đặc biệt, dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được quy hoạch và từng bước hoàn thiện hình hài, hay tuyến cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa …
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2018 - 2020, trên địa bàn Đồng Nai sẽ được đầu tư trên 33.300 tỷ đồng để làm hạ tầng giao thông kịp thời kết nối với Sân bay Quốc tế Long Thành. Các dự án trong danh mục này gồm cầu Cát Lái, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường Vành đai 3. Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục làm việc với Trung ương để thống nhất chủ trương triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống Metro số 1 kéo dài từ đoạn nhà ga Thủ Đức (TP HCM) qua địa bàn Đồng Nai.
Trong đó, có 5 dự án giao thông quốc gia đang được tỉnh phối hợp để khởi công xây dựng, tiếp đến là dự án cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP HCM sẽ được xúc tiến kêu gọi đầu tư sớm.
Ngoài lợi thế về hạ tầng, theo phân tích của các chuyên gia, lợi thế nữa của Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có được chính là quỹ đất để phát triển dự án còn lớn, giá còn “mềm” so với nhiều khu vực khác. Đơn cử, tại Đồng Nai, mặc dù đây là thị trường trọng tâm của phía Nam, trong đó Thành phố mới Nhơn Trạch đã được quy hoạch hàng chục năm, nhưng do hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, đến nay vẫn còn là một thành phố vắng bóng người, giá bất động sản còn khá thấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi cầu Cát Lái chính thức được xây dựng, khu vực này sẽ hồi sinh và được ví như cánh tay nối dài của TP HCM trong xu thế giãn dân.
Với Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng kết nối liên vùng, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn so với nhiều địa phương khác là hội đủ các các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là địa phương duy nhất phía Đông Nam TP HCM hội tụ đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp và du lịch nhờ có bờ biển đẹp trải dài hàng trăm kilomet.
Theo các chuyên gia, chính các yếu tố này sẽ giúp cho Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành những địa phương dẫn dắt thị trường địa ốc trong năm 2019 và thời gian tới.