menu

Loạt bất cập nhà ở xã hội phải đối mặt khi áp dụng Nghị định 20

14:22 - 18/12/2018
Việc áp dụng Nghị định số 20 gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

Nghị định số 20/2017/NĐCP Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với mục tiêu là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, bị khống chế bởi lợi nhuận đã chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp"… Quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Nhà ở xã hội gặp khó

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch công ty TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân, cho rằng Nghị định 20 có nhiều bất cập ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại.

Đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10%, vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Hơn nữa, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này.

Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.

Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng hiện mức trần lãi vay 20% đang là con số gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là những ngành nghề cần huy động vốn nhiều như bất động sản, mặc dù môi trường đầu tư hiện nay là bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là về thuế.

"Với những lĩnh vực đặc thù, cần lượng đầu tư lớn thì phải nghiên cứu lại tỷ lệ khống chế trần lãi vay", ông Nguyễn Trần Nam phân tích.

Ở góc độ chuyên gia, theo Ts. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng tại nhiều quốc gia đang áp dụng mức trần lãi vay 30% như Ấn Độ, trên 30% như Mỹ và Đức hay như Indonesia cũng dự kiến là 30%…

"Tuy nhiên tỷ lệ 20% của Việt Nam rõ ràng chưa tính đến ngành đặc thù và điểm đặc thù như điện, bất động sản phải đi vay nhiều hoặc các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Lực nhấn mạnh.

Đánh giá về Nghị định 20, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng Nghị định có một số vướng mắc. Hội tư vấn thuế đã tham gia về vấn đề này nhiều, Tổng cục Thuế cũng đã có công văn riêng trình lên Bộ Tài chính.

Nghị định 20 gây khó cho nhà ở xã hội

Nghị định 20 gây khó cho nhà ở xã hội

Chỉ áp dụng cho DN xuyên quốc gia

"Theo Nghị định 20, lãi vay ngân hàng bị khống chế. Tôi nghĩ việc sửa Nghị định là khả thi và trước mắt không nên áp dụng mức 20% đối với các doanh nghiệp chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, không có ưu đãi thuế, không có hiệp định liên kết. Chúng tôi cũng cố gắng nỗ lực để kiến nghị lên trên để vừa chống chuyển giá, vừa để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động", bà Cúc cho hay.

Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, Luật Các Tổ chức tín dụng có quy định rõ ràng về cho vay có liên quan, có mức độ khống chế về tỷ lệ cho vay, đương nhiên là lãi suất được hạch toán một cách bình thường.

Ông Nghĩa đề nghị Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam.

"Chúng ta thấy rằng rất nhiều nước chưa áp dụng, nhất là những nước nghèo như Việt Nam. Còn tỷ lệ là 20% thấp hay cao, tôi nghĩ cần xem lại tỷ lệ cho hợp lý. Như vậy, với Nghị định 20, tôi thấy chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối", ông Nghĩa nói.

Trước các bất cập của Nghị định 20, Ts. Võ Trí Thành cho rằng mục đích của Nghị định này là nhằm chống chuyển giá; hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp và ngân hàng; tạo ra sân chơi trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hai mục đích đầu tiên không đạt. Còn mục đích thứ ba cần phải học hỏi, vì Việt Nam đang trong quá trình hội nhập.

Do đó, Ts. Thành kiến nghị cần có thời gian nghiên cứu sửa đổi Nghị định; đồng thời nên áp dụng và đưa chuẩn mực quốc tế vào. Theo đó, sửa đổi áp dụng chỉ cho giao dịch không liên kết và giao dịch xuyên biên giới; đưa các kỹ thuật, ràng buộc để không tính chi phí; bên cạnh đó không phân loại doanh nghiệp, vì phân loại dễ gây méo mó.

Còn ông Trương Anh Tuấn cho rằng việc dừng Nghị định là khó cách tốt nhất mong các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật sư và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018. Và đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội.

Theo tôi, việc sửa đổi là cần thiết và đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nên có những quy định riêng", ông Tuấn đề xuất.

Tin nổi bật
Tin mới nhất