Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng năm 2018 - 2019
Dự báo về tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019 của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội (NCIF – Bộ KH&ĐT) cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. Kinh doanh bất động sản tiếp tục là một trong những ngành dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Theo NCIF, những tháng cuối năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan từ 9 tháng đầu năm.
Nhiều ngành kinh tế lớn bước vào chu kỳ tăng trưởng nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng… Nhu cầu tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định với việc ổn định lãi suất và tỷ giá được đảm bảo.
Dựa trên tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2018 và xem xét các yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019, NCIF đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2018.
Ở kịch bản 1, GDP tăng thấp hơn ở mức 6,83%, lạm phát được dự báo ở mức 4%, bằng với mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Đối với kịch bản 2, tăng trưởng đạt mức cao hơn là 7,01%, lạm phát được dự báo tương ứng cũng ở mức tăng cao hơn, từ 4 - 4,2%, nhỉnh hơn chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năn 2018 đã được Quốc hội phê duyệt.
Tăng trưởng 2019 còn nhiều thách thức
Sang năm 2019, mục tiêu tổng quát là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Năm 2019 sẽ tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018.
Theo phân tích của NCIF, các yếu tố tác động lên tăng trưởng năm 2019 là: kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực.
Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán ký kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam.
Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng năm 2018 - 2019
Thực tế cho thấy, các hiệp định tự do thương mại được ký kết đã tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại và mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.
Do đó, cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong việc ký kết ngày càng nhiều hiệp định tự do thương mại, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất – nhập khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, NCIF cũng đưa ra một vài yếu tố tiêu cực tác động tới tăng trưởng năm 2019. Thứ nhất, về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ hai, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.
Thứ ba, giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao (cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008-2010), gây quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra, đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung quốc (khi mà giá bất động sản đang được đẩy lên cao, trong khi tình trạng dư thừa rất rõ ràng).
Thứ tư, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu, tỷ giá và sau đó là tăng trưởng kinh tế.
Thứ năm, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện nhiều và công nghiệp phụ trợ yếu kém.
Nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi yêu cầu về chất lượng các dự án FDI ngày càng cao khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.