menu

Đất rừng: Quy định chuyển nhượng, thế chấp, giao đất thế nào?

17:02 - 07/12/2018
Đất rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng là gì, có được xây dựng, lên thổ cư không? Luật chuyển đổi mục đích, mua bán đất rừng 50 năm.

Đất rừng là một trong những loại đất chiếm ¾ diện tích đất cả nước và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, môi trường, lẫn chính trị. Vì vậy, chính sách quy định về đất rừng không những được quy định trong luật đất đai về rừng 1993, 2003, 1993 mà còn có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 với nhiều các điều luật đất rừng bao gồm các chính sách:

  • Phân loại các loại đất rừng sản xuất và phòng hộ, đặc dụng
  • Giao, giao khoán đất rừng
  • Mục đích sử dụng, chuyển nhượng, mua bán đất rừng, cấp sổ đỏ sổ xanh cho đất rừng
  • Chính sách thu hồi và bồi thường, đền bù đất rừng…

Tất cả những quy định này đều nhằm mục đích bảo vệ quỹ đất rừng và đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người dân cũng như các chính sách quản lý đất rừng được tốt nhất.

Ancu.me sẽ giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ về các quy định của đất rừng theo luật hiện hành nhằm giúp người đang sử dụng, được giao đất, cho thuê đất rừng… thực hiện đúng nghĩa vụ và bảo vệ quyền lợi của mình tốt nhất.

Các quy định của đất rừng theo luật hiện hành

Các quy định của đất rừng theo luật hiện hành

Đất rừng là gì?

Nhiều người vẫn thắc mắc đất rừng có phải là đất nông nghiệp không hay chưa hiểu rõ về đất rừng bao gồm những loại nào, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên hay rừng trồng, đất rừng có được thế chấp không…

Vậy đất rừng là gì? Theo quy định của Luật đất đai 2013 tại Điều 10 quy định về phân loại đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, đất rừng gồm 3 nhóm đất là: đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng được phân vào nhóm đất nông nghiệp.

Như vậy đất rừng được hiểu là đất nông nghiệp và được phân thành 3 nhóm đất với mục đích sử dụng khác nhau.

Đất rừng sản xuất là gì?

Đất rừng sản xuất là loại đất được sử dụng chủ yếu vào mục đích sản xuất kinh doanh gỗ, lâm sản và đặc sản rừng, động vật rừng có kết hợp với việc bảo vệ môi trường hệ sinh thái và phòng hộ.

Đối với nhóm đất rừng sản xuất sẽ được phân thành các nhóm sau:

  • Đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên sẽ là nhóm đất rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh tự nhiên. Loại đất rừng sản xuất tự nhiên này được giao với mục đích để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hình thức quản lý của loại đất này là giao và cho thuê đất.
  • Đất rừng sản xuất là rừng trồng sẽ bao gồm: Rừng trồng bằng vốn có ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.

Đất rừng phòng hộ là gì?

Đất rừng phòng hộ là loại đất phục vụ cho mục đích bảo vệ nguồn sinh thái đất, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, giảm trừ phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu.

Đất rừng phòng hộ là đất nông nghiệp được phân thành các nhóm đất sau:

  • Đất rừng phòng hộ đầu nguồn;
  • Đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;
  • Đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển
  • Đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Đất rừng đặc dụng là gì?

Đất rừng đặc dụng là loại đất phục vụ chủ yếu cho mục đích bảo tồn thiên nhiên hoang dã, tạo ra hệ sinh thái rừng quốc gia, lưu trữ và bảo vệ nguồn gen động thực vật, phục vụ nghiên cứu khoa học, di tích, danh lam, thắng cảnh, nghỉ dưỡng sinh thái…

Mỗi loại đất sẽ có ký hiệu các loại đất khác nhau có ghi cụ thể trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người được cấp giấy biết được loại đất đang sở hữu là gì, tìm hiểu quyền lợi và các nghĩa vụ đối với loại đất đó.

Đất rừng: Quy định chuyển nhượng, thế chấp, giao đất thế nào?

Đất rừng: Quy định chuyển nhượng, thế chấp, giao đất thế nào?

Đất rừng có sổ đỏ không?

Sổ đỏ (sổ xanh) hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng hoàn toàn có thể được cấp nếu đảm bảo các quy định về về điều kiện cấp giấy Chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại điều 33, Nghị định 43/2014/NĐ-CP bao gồm:

“ 1. Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng sản xuất

2. Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng

3. Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán. Hợp đồng tặng cho hoặc thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật

4. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật

5. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà đã trồng rừng sản xuất bằng vốn của mình thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;

6. Đối với tổ chức trong nước thực hiện dự án trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;

7. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án trồng rừng sản xuất thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;

8. Trường hợp chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, phải có văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng rừng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Sổ đỏ hay đất rừng sổ xanh là cách gọi về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất là rừng trồng cấp cho người sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất rừng sản xuất muốn được cấp sổ xanh thì cần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định và làm các thủ tục xin cấp giấy, đóng góp các khoản phí và lệ phí khi làm thủ tục bao gồm:

  • Tiền sử dụng đất
  • Lệ phí địa chính: theo từng địa phương phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội
  • Tiền sử dụng đất: tùy trường hợp sẽ xem xét mức nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP.
  • Lệ phí trước bạ: Mức thu lệ phí trước bạ = Giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh ban hành (đồng) x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%). đối với nhà, đất là 0.5%.
  • Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính: Không quá 1.500 đồng/m2.
  • Phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất  Không quá 7.500.000 đồng/hồ sơ.
  • Đất rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng có sổ đỏ không

Đất rừng có được thế chấp không?

Thế chấp là một biện pháp đảm bảo bằng tài sản đối với các hoạt động vay và cho vay. Đất rừng là tài sản hợp pháp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng thì hoàn toàn có thể được sử dụng để thế chấp.

Tuy nhiên, đất rừng phòng hộ và đặc dụng sẽ không thể đem ra thế chấp do bị hạn chế về đối tượng nhận chuyển nhượng đó là phải là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trong khu vực có đất rừng phòng hộ, đặc dụng chuyển nhượng.

Mà theo quy định về các trường hợp không được thế chấp có trường hợp đó là các tài sản mà Nhà nước quy định cấm kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng. Đồng thời, người sử dụng đất rừng chỉ được phép thế chấp tại Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng Việt Nam do Nhà nước cho phép thành lập, mà không được thế chấp ở bất kỳ một tổ chức kinh tế nào khác.

Do đó, nếu là đất rừng sản xuất có thể nhận thế chấp không vượt hạn mức 300ha. Đối với rừng đặc dụng và phòng hộ thì không thể thế chấp do không đảm bảo điều kiện về người nhận thế chấp.

Đồng thời, việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất sẽ phải đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 Nghị định 102/2017 về đăng ký giao dịch đảm bảo.ư

Các quy định thế chấp quyền sử dụng đất rừng

Quy định về loại đất rừng

Quy định về đất rừng sản xuất

Đất rừng sản xuất có được chuyển mục đích sang đất ở, lên hay đất rừng sản xuất có lên được thổ cư không? Rừng sản xuất có chuyển nhượng được không?... là những vấn đề có khá nhiều người hỏi nhằm xem xét việc mua bán đất rừng giá rẻ… có hợp pháp hay không?

Dưới đây là những quy định về đất rừng sản xuất về các chính xác thế chấp, chuyển mục đích sử dụng, sử dụng trồng cây gì, giao đất rừng sản xuất…

Quy định giao khoán đất rừng sản xuất

Theo quy định về giao khoán đất rừng sản xuất tại điều 135 Luật Đất Đai 2013 thì Nhà nước giao loại đất rừng sản xuất là đất rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo các hình thức:

  • Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức để sản xuất lâm nghiệp. Nếu vượt quá hạn mức thì sẽ phải chuyển sang thuê đất.
  • Cho thuê đất nếu là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng.
  • Được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
  • Kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
  • Nếu đất rừng ở xa khu dân cư không giao trực tiếp cho hộ gia đình cá nhân thì sẽ giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Thời hạn giao khoán đất rừng cho cá nhân, hộ gia đình không quá 50 năm.

Quy định chuyển nhượng, thế chấp, giao đất rừng thế nào

Quy định chuyển nhượng, thế chấp, giao đất rừng thế nào?

Đất rừng sản xuất có được chuyển mục đích sử dụng

Đất rừng sản xuất theo quy định của pháp Luật đất đai 2013 điều 57 thì được phép chuyển nhượng nếu được cơ quan nhà nước cho phép. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013 như sau:

“1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

… c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;...”

Do vậy, đất rừng sản xuất nói riêng hay đất rừng nói chung đều có thể được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nếu được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đất rừng sản xuất có được chuyển nhượng không

Đất rừng sản xuất hiện nay theo quy định của pháp luật được phép chuyển nhượng hay còn gọi là mua bán đất rừng nếu đáp ứng đủ các quy định chuyển nhượng đất rừng sản xuất.

Điều kiện chuyển nhượng đất rừng sản xuất

  • Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất phải nằm trong giới hạn hạn mức chuyển nhượng tối đa 300ha.
  • Điều kiện đầy đủ về luật sở hữu đất rừng hợp pháp:
  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do địa phương cấp đúng quyền hạn
  • Đất rừng sản xuất không có tranh chấp; thế chấp
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Đất rừng sản xuất còn thời hạn sử dụng
  • Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng như:

- Hợp đồng hoặc văn bản hợp pháp liên quan tới quyền sở hữu quyền sử dụng đất như mua bán/tặng cho/thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng được công chứng chứng thực theo quy định

0 Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật

Nếu đảm bảo các điều kiện trên thì đất rừng sản xuất đó được phép mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng nhưng phải thực hiện đầy đủ các khoản thuế phí khi chuyển nhượng QSDĐ bao gồm:

  • Bên chuyển nhượng: 2% thuế thu nhập cá nhân
  • Bên nhận chuyển nhượng 0,5% lệ phí trước bạ, 0,15% phí thẩm định sổ theo giá trị hợp đồng mua bán đất của 2 bên.

Luật giao, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ

Luật giao, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ

Quy định về đất rừng phòng hộ

Đất rừng phòng hộ là loại đất có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ, giảm tác động của thiên tai bão lũ, sạt lở đất, nguồn nước, bảo vệ môi trường thì còn có giá trị về mặt sản xuất phát triển kinh tế.

Chính vì vậy chính sách quy định về quản lý đất rừng phòng hồ không chỉ là bảo vệ mà còn cho phép cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khai thác có điều kiện hay chuyển nhượng với chế tài đặc thù bao gồm các quy định chính như sau:

Giao đất rừng phòng hộ

Nhà nước giao đất rừng phòng hộ đầu nguồn cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và đơn vị được giao đất phải tổ chức quản lý rừng phòng hộ cho các hộ gia đình cá nhân nhằm bảo vệ và phát triển rừng.

Nếu rừng phòng hộ chưa có tổ chức quản lý và quy hoạch trồng rừng thì được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại chỗ có nhu cầu và khả năng để bảo vệ và phát triển rừng sử dụng.

Cho thuê đất rừng phòng hộ cho tổ chức kinh tế kết hợp phát triển rừng với kinh doanh cảnh quan, sinh thái môi trường dưới tán rừng sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.

Quy định về chuyển đổi đất rừng phòng hộ

Về quy định chuyển đổi đất rừng phòng hộ theo pháp luật hiện hành là được phép nếu chủ sở hữu đất rừng đảm bảo các điều kiện pháp lý theo quy định tại điều 57 Luật Đất Đai 2013 và được cơ quan nhà nước cho phép. Việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích sử dụng đất khác hiện tương tự như quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất đã đề cập ở trên.

Đất rừng phòng hộ có được chuyển nhượng không?

Chuyển nhượng đất rừng phòng hộ có được không là câu hỏi của rất nhiều người đang muốn mua đất rừng hay người muốn bán đất, tặng cho, nhận thừa kế… đối với loại đất rừng phòng hộ.

Theo quy định chuyển nhượng đất rừng phòng hộ là hợp pháp nhưng sẽ bị hạn chế nhất định đối với hoạt động chuyển nhượng dù là mua bán đất rừng hay tặng cho ngoài đảm bảo các điều kiện chuyển nhượng như quy định với đất rừng sản xuất.

Điều kiện để chuyển nhượng đất rừng phòng hộ hợp pháp đó là: Khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013: “hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.

Do đó, cá nhân, hộ gia đình chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất rừng phòng hộ cho những hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong khu vực có rừng phòng hộ.

Pháp luật về sử dụng, chuyển nhượng đất rừng đặc dụng

Quy định về đất rừng đặc dụng

Giao đất rừng đặc dụng

Quy định về thẩm quyền và người được giao, cho thuê khoán rừng đặc dụng theo quy định tại điều 137 Luật đất đai 2013 như sau:

“1. Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn đất rừng đặc dụng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cho hộ gia đình, cá nhân chưa có điều kiện chuyển ra khỏi khu vực đó để bảo vệ rừng.

3. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán đất rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống ổn định tại khu vực đó để bảo vệ và phát triển rừng.

4. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất vùng đệm của rừng đặc dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về lâm nghiệp hoặc kết hợp quốc phòng, an ninh theo quy hoạch phát triển rừng của vùng đệm và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng."

Chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng

Tương tự như loại đất rừng sản xuất và phòng hồ thì đất rừng đặc dụng cũng được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013: “Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

Từ mục đích sử dụng đất nông nghiệp có thể được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp là đất ở. Bởi vậy mọi quy định và thủ tục, các khoản phí lệ phí đều tương tự như quy định chuyển mục đích sử dụng đất sản xuất nó riêng và đất đai nói chung.

Quy định chuyển nhượng đất rừng đặc dụng

Quy định về chuyển nhượng rừng đặc dụng tương tự như rừng phòng hồ đó là hạn chế về đối tượng nhận chuyển nhượng ngoài các quy định về hạn mức chuyển nhượng đất rừng cũng như đất chuyển nhượng phải còn thời gian sử dụng tính từ thời điểm được giao đất và có giấy tờ pháp lý đầy đủ, chứng minh tính hợp pháp như đã nêu ở phần chuyển nhượng đất rừng sản xuất.

Nếu bạn muốn nhận hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng đặc dụng thì có thể tham khảo các quy định đối với 2 loại đất rừng trên.

Kinh nghiệm mua đất rừng giá rẻ an toàn pháp lý

Kinh nghiệm mua đất rừng giá rẻ an toàn pháp lý

Lưu ý khi mua đất rừng giá rẻ

Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng cho người dân và cho phép người hộ gia đình, cá nhân… có thể được phép mua bán chuyển nhượng nhưng sẽ có những giới hạn đối với từng loại đất. Vì vậy khi mua đất rừng cần lưu ý đến điều kiện được chuyển nhượng bao gồm:

  • Người chuyển nhượng có quyền sở hữu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng hợp pháp.
  • Người nhận chuyển nhượng đất rừng phải đảm nhận diện tích chuyển nhượng trong hạn mức không quá 300 ha theo quy định.
  • Đất rừng chuyển nhượng sẽ phải còn thời hạn: Bởi nếu mua đất rừng giá rẻ hãy nhớ kiểm tra thời hạn sử dụng đất rừng 50 năm. Bởi chính sách về thời hạn giao đất rừng không quá 50 năm.Vì vậy, nếu có nhu cầu mua bán đất rừng 50 năm thì thời điểm sử dụng sẽ được tính từ thời điểm được giao đất chứ không tính từ thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng của cá nhân, hộ gia đình.
  • Nếu dự định mua đất rừng xây dựng nhà thì phải xem xét về khả năng chuyển đổi quyền sử dụng đất rừng sang đất ở làm xây nhà hợp pháp.
  • Nếu nhận chuyển nhượng đất rừng phòng hộ và đặc dụng thì người nhận chuyển nhượng phải sinh sống trong khu vực có đất rừng chuyển nhượng.

Ngoài các quy chế về giao đất, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng mua bán đất rừng thì còn có các quy định về thu hồi đất rừng trong đó có xác định rõ đất rừng bị thu hồi khi nào, chính sách bồi thường, đền bù khi thu hồi đất rừng không sổ đỏ, có sổ đỏ…

Nếu bạn quan tâm đến chi tiết về thu hồi đất rừng phòng hộ, sản xuất, đặc dụng hãy tìm hiểu tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP về quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Hi vọng những chia sẻ trên đây về đất rừng có được xây dựng, có sổ đỏ không cùng những quy định sẽ giúp người đang sử dụng đất rừng hay muốn chuyển nhượng đất nắm rõ luật pháp và có kinh nghiệm mua đất rừng, bảo vệ quyền lợi và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với chính sách giao đất giao rừng cho người dân phát triển và bảo vệ rừng.

Bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm chính sách đất đai về:  Đất khai hoang là gì? Có được cấp sổ đỏ, đền bù không?

Tin nổi bật
Tin mới nhất