menu

Quy định các loại bảo hiểm công trình xây dựng và định mức chi phí

17:10 - 16/10/2019
Bảo hiểm công trình xây dựng bắt buộc không? Thông tư 329 quy định về bảo hiểm công trình, cách tính, hệ số chi phí, mẫu hợp đồng.

1. Bảo hiểm công trình xây dựng là gì và phân loại bảo hiểm

Bảo hiểm công trình xây dựng là gì?

Theo quy định, bảo hiểm công trình xây dựng là một loại bảo hiểm rủi ro đối với các công trình xây dựng nhằm đảm bảo được bồi thường khi công trình có xảy ra tổn thất vật chất hay bồi thường cho bên thứ 3 khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo hợp đồng đã ký với bên bán bảo hiểm công trình xây dựng.

Hiện nay, pháp luật quy định trách nhiệm mua bảo hiểm công trình xây dựng bắt buộc đối với một số những công trình xây dựng với định mức chi bảo hiểm công trình cố định nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường vật chất, bên thứ 3 khi có sự cố trong xây dựng xảy ra theo thỏa thuận đã ghi trong mẫu hợp đồng bảo hiểm công trình.

Bảo hiểm công trình xây dựng là một thủ tục bắt buộc để chủ đầu tư được cấp giấy phép xây dựng, thi công công trình xây dựng thuộc đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm.

Dưới đây là một số thông tin về các loại, quy định trách nhiệm  mua bảo hiểm xây dựng, định mức chi phí mua bảo hiểm, thủ tục hợp đồng, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm công trình xây dựng bạn nên biết để có hoạt động đầu tư, tư vấn,thi công công trình xây dựng đúng pháp luật, giảm thiểu trách nhiệm khi có sự cố, rủi ro xảy ra.

Quy định các loại bảo hiểm công trình xây dựng mới nhất

Quy định các loại bảo hiểm công trình xây dựng mới nhất

Các loại bảo hiểm công trình xây dựng

Quy định mua bảo hiểm cho công trình xây dựng được pháp lý hóa tại các văn bản:

  • Luật xây dựng 2014
  • Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
  • Thông tư 329/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Các loại bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng được quy định tại Điều 9 Luật Xây dựng 2014 và hướng dẫn tại nghị định về bảo hiểm công trình xây dựng và cụ thể được hướng dẫn tại thông tư 329 về bảo hiểm công trình xây dựng. Khoản 1 Điều 9 Luật xây dựng mới nhất 2014 quy định về các loại bảo hiểm trong công trình xây dựng bao gồm:

“1. Bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm:

a) Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng;

b) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng;

c) Bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động;

d) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba;

đ) Bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng”

Trong các loại bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng trên có các loại bảo hiểm bắt buộc công trình xây dựng và quy định về trách nhiệm ai phải mua bảo hiểm công trình xây dựng, chủ thể bắt buộc mua bảo hiểm công trình tại khoản 2 Điều 9 Luật xây dựng cụ thể đó là:

  • Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng
  • Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng
  • Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường

Lưu ý: Đối với các bảo hiểm xây dựng không thuộc các nhóm bảo hiểm bắt buộc tại khoản 2 Điều 9 Luật xây dựng 2014 thì sẽ không phải mua nhưng được khuyến khích mua bảo hiểm trong xây dựng.

Các loại bảo hiểm công trình xây dựng bắt buộc theo quy định pháp luật

Các loại bảo hiểm công trình xây dựng bắt buộc theo quy định pháp luật

2. Quy định các loại bảo hiểm công trình xây dựng

Cụ thể pháp luật quy định về bảo hiểm công trình xây dựng bắt buộc áp dụng cho các công trình, đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc như sau:

a. Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng

- Quy định về mua bảo hiểm công trình xây dựng trong thời gian thi công

Điểm a khoản 2 Điều 9 Luật xây dựng và cụ thể hóa tại khoản a, mục 2, Điều 3 Thông tư 329/2016/TT-BTC là:

Chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình xây dựng trong thời gian xây dựng đối với công trình. Trong đó, không phải công trình nào cũng phải mua bảo hiểm xây dựng mà pháp luật có quy định về công trình xây dựng nào phải mua bảo hiểm. Cụ thể quy định quy định mua bảo hiểm công trình bắt buộc nếu là các công trình xây dựng có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp.

Do đó, công trình bắt buộc mua bảo hiểm xây dựng là công trình chứa đựng nhiều yếu tố nguy hiểm. Đối với các công trình xây dựng đơn giản, không thuộc công trình đặc thù, mất an toàn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 chỉ thuộc nhóm khuyến khích mua bảo hiểm cho các hoạt động xây dựng mà không bắt buộc.

Quy định về mua bảo hiểm công trình xây dựng hiện nay được hướng dẫn chi tiết, cụ thể tại quy định rõ: Chủ đầu tư sẽ mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, trong trường hợp phí bảo hiểm đã được tính vào trong giá trị hợp đồng xây dựng.

- Mức phí bảo hiểm tối thiểu đối với công trình xây dựng trong thời gian thi công

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 329 là:

“2. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều này là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, thiết bị lắp đặt vào công trình, cước phí vận chuyển, các loại thuế, phí khác và các hạng mục khác do chủ đầu tư cung cấp. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có.)”

Các quy định bảo hiểm công trình xây dựng đang thi công

Các quy định bảo hiểm công trình xây dựng đang thi công

- Phạm vi bảo hiểm công trình xây dựng trong thời gian thi công

Các đối tượng được bảo hiểm công trình xây dựng

- Bảo hiểm các công trình xây dựng bao gồm công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, năng lượng và các công trình khác;

- Bảo hiểm thiết bị xây dựng phục vụ quá trình xây dựng;

- Bảo hiểm xe máy công trình xây dựng  xây dựng phục vụ quá trình xây dựng;

- Bảo hiểm các phần công việc lắp đặt phục vụ và/hoặc cấu thành một bộ phận của quá trình xây dựng;

- Bảo hiểm rủi ro công trình về tài sản sẵn có trên và trong phạm vi công trường thuộc quyền sở hữu, quản lý, trông nom, kiểm soát của người được bảo hiểm;

- Bảo hiểm trách nhiệm bên thứ ba trong xây dựng.

Theo quy định phạm vi bảo hiểm công trình xây dựng trong thời gian thi công của bên bán bảo hiểm đối với nhà đầu tư đó là đền bù mọi rủi ro tổn thất trong xây dựng trừ về tài sản như:

Bồi thường cho các chi phí thay thế (và/hoặc) sửa chữa (và/hoặc) khắc phục bất cứ phần nào của đối tượng được bảo hiểm (và/hoặc) bất kỳ phần nào của tài sản được bảo hiểm bị tổn thất, thiệt hại vật chất hay bị phá huỷ dưới bất kỳ hình thức nào và bởi bất kỳ nguyên nhân nào không bị loại trừ trong quy tắc bảo hiểm.

Thời hạn bảo hiểm công trình xây dựng đang thi công

Điều 13 Thông tư 329 về bảo hiểm công trình xây dựng quy định thời hạn bảo hiểm như sau:

- Thời hạn bảo hiểm đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng: Thời hạn bảo hiểm được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Thời hạn tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung (nếu có). Đối với những bộ phận, hạng mục công trình đã được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt kể từ thời điểm các bộ phận, hạng mục đó được bàn giao hoặc được đưa vào sử dụng.

- Thời hạn bảo hiểm đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ năm mươi phần trăm (50%) trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng: Được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

Thời hạn tính từ ngày bắt đầu thời gian xây dựng căn cứ vào văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) cho tới khi bàn giao công trình hoặc sau khi hoàn tất lần chạy thử có tải đầu tiên, tùy theo thời điểm nào đến trước, nhưng không quá hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày bắt đầu chạy thử. Thời hạn bảo hiểm đối với các thiết bị đã qua sử dụng lắp đặt vào công trình sẽ chấm dứt kể từ thời điểm các thiết bị đó bắt đầu được chạy thử.

b. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng

Trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn xây dựng

Theo quy định điểm b khoản 2 Điều 9 Luật xây dựng và Thông tư 329/2016/TT-BTC quy định trách nhiệm mua bảo hiểm công trình đối với tư vấn xây dựng thuộc về nhà thầu tư vấn. Cụ thể: Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát, thiết kế các công trình xây dựng từ cấp II trở lên theo quy định về phân cấp công trình xây dựng tại Thông tư 03/2016/TT-BXD.

Quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn xây dựng

Quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn xây dựng

Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn công trình xây dựng

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu tư vấn những khoản tiền mà nhà thầu tư vấn có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại của bên thứ 3 do thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng và các chi phí có liên quan theo quy định bao gồm:

- Tổn thất của bên thứ ba và các chi phí có liên quan có nguyên nhân phát sinh từ hành động sơ suất, bất cẩn của người được bảo hiểm khi thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng thuộc phạm vi bảo hiểm.

- Yêu cầu đòi bồi thường của bên thứ ba lần đầu tiên được đưa ra khi có phát sinh sự kiện bảo hiểm đối với người được bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thông báo cho bên bán trong thời hạn bảo hiểm với các chi phí phải trả cho:

  • Luật sư do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc do người được bảo hiểm chỉ định nhưng có đồng ý của bên bán bảo hiểm;
  • Các chi phí phát sinh từ điều tra, chỉnh lý, bảo chữa kiên quan đến sự kiện bảo hiểm, nhưng loại trừ tiền lương trả cho người lao động/quản lý ký kết hợp đồng lao động với người được bảo hiểm;
  • Các chi phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thời hạn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng

Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 329 thời hạn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn xây dựng bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc tư vấn đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật. 

c. Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường

Trách nhiệm mua bảo hiểm công trình xây dựng đối với người lao động

Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường hay còn gọi là bảo hiểm công nhân xây dựng hoặc bảo hiểm tai nạn cho công nhân xây dựng là loại bảo hiểm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật xây dựng 2014 thì Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm mua bảo hiểm cho công nhân xây dựng (người lao động) thi công trên công trường.

Phạm vi bảo hiểm công nhân xây dựng

Doanh nghiệp bán bảo hiểm xã hội công nhân xây dựng sẽ là đơn vị thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng đối với những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho công nhân khi xảy ra sự kiện bảo hiểm bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường.

Việc mua mua bảo hiểm cho công nhân xây dựng ở đâu sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của đơn vị thầu thi công và sẽ có nhiều mức phí bảo hiểm công nhân xây dựng nhưng cần đảo bảo mua đúng đủ định mức, tỷ lệ bảo hiểm và có thể thỏa thuận mức bảo hiểm cao hơn.

Quy định mua bản hiểm công nhân xây dựng thi công trên công trường phòng ngừa rủi ro

Quy định mua bản hiểm công nhân xây dựng thi công trên công trường phòng ngừa rủi ro

Thời hạn bảo hiểm công nhân xây dựng lao động trên công trường

Quy định về thời hạn bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường thực hiện theo Điều 29 Thông tư 329 như sau: Thời điểm tính bắt đầu thời hạn bảo hiểm kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.

Đồng thời việc Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với công nhân lao động thi công trên công trường sẽ phụ thuộc vào hợp đồng lao động của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian lao động làm việc thực tế trên công trường.

Tham khảo thêm các quy định pháp luật về  Chế độ tai nạn lao động mới nhất  trên ancu.me.

d. Bảo hiểm trách nhiệm bên thứ 3 trong xây dựng

Ngoài 3 loại bảo hiểm bắt buộc đối với hoạt động đầu tư xây dựng thì pháp luật cũng quy định loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 trong xây dựng tức là bảo hiểm đối với người không thuộc công trình cũng như chủ đầu tư. Quy định tại Điểm 6, điều 3, Nghị định 119 như sau: “Chủ thầu mua bảo hiểm đối với bên thứ ba theo quy định của pháp luật khi bên nhận thầu triển khai xây dựng công trình”. Do đó, bên cạnh các loại bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng trên thì chủ thầu thi công công trình có thể tham khảo quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho bên thứ 3. 

Các quy định về: Đối tượng bảo hiểm và phạm vi bảo hiểm và triển khai bảo hiểm được quy định cụ thể tại:

“Điều 33. Đối tượng bảo hiểm và phạm vi bảo hiểm

1. Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là trách nhiệm dân sự của bên nhận thầu đối với bên thứ ba theo quy định của pháp luật khi bên nhận thầu triển khai xây dựng công trình.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho bên nhận thầu nếu bên thứ ba yêu cầu bên nhận thầu bồi thường thiệt hại do lỗi của bên nhận thầu gây ra cho bên thứ ba trong thời hạn bảo hiểm và thuộc phạm vi bảo hiểm."

Và Điều 34 quy định về triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ 3.

Ngoài ra, có thể mua thêm các sản phẩm bảo hiểm công trình dân dụng đã hoàn thành giúp phòng ngừa rủi ro trong xây dựng.

3. Định mức chi phí bảo hiểm công trình 2019

Quy định định mức chi phí bảo hiểm công trình xây dựng hay còn gọi là định khoản - hệ số tính chi phí bảo hiểm công trình xây dựng khác nhau phụ thuộc vào giá trị công trình và tỷ lệ chi phí bảo hiểm đối với từng loại công trình do công ty bảo hiểm quy định. Thông thường, tỷ lệ chi phí bảo hiểm công trình xây dựng sẽ phí thuộc vào tỷ lệ rủi ro của công trình sau khi được bên bán bảo hiểm khảo sát.

Định khoản, định mức chi phí bảo hiểm công trình xây dựng được tính phí như sau:

Chi phí bảo hiểm công trình xây dựng = Giá trị công trình x Tỷ lệ phí bảo hiểm công trình.

Với mỗi loại bảo hiểm xây dựng sẽ có những biểu phí bảo hiểm công trình xây dựng khác nhau. Vì vậy, để có thể biết được chi phí bảo hiểm công trình là bao nhiêu đối với từng loại công trình như: Chi phí bảo hiểm công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, giao thông) hay chi phí bảo hiểm công trình xây lắp công trình… sẽ cần căn cứ vào mức biểu phí đối với từng loại công trình xây dựng áp dụng với chủ đầu tư trong thời gian xây dựng, nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công đối với công nhân thi công trên công trường.

Các quy định định mức, định khoản chi phí bảo hiểm công trình xây dựng bắt buộc

Các quy định định mức, định khoản chi phí bảo hiểm công trình xây dựng bắt buộc

Quy định về phụ phí, biểu phí bảo hiểm bắt buộc trong xây dựng được xác định cụ thể tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 329 bao gồm các biểu phí đối với từng loại bảo hiểm xây dựng bắt buộc như sau:

Biểu phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng

Phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng được thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 4 và khoản 1 Điều 15 Thông tư 329/2016/TT-BTC.

Điểm a, khoản 3 Điều 4 quy định:

“a) Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này”. 

Và Điều 15 Thông tư quy định phí bảo hiểm cụ thể như sau:

“1. Phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng được xác định theo Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo điểm 1 khoản I Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ năm mươi phần trăm (50%) trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo điểm 1 khoản II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Đối với các công trình xây dựng chưa được quy định tại điểm 1 khoản I và điểm 1 khoản II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc công trình xây dựng có giá trị từ bảy trăm (700) tỷ đồng trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài phải được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s, “B++” theo A.M.Best hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác trong năm tài chính gần nhất năm nhận tái bảo hiểm.

2. Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm quy định tại tiết a điểm 1 khoản I Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này (đối với công trình quy định tại điểm a khoản 1 Điều này) hoặc tiết a điểm 1 khoản II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này (đối với công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này).

3. Trường hợp thời gian xây dựng công trình bị kéo dài so với thời gian quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận phí bảo hiểm bổ sung áp dụng cho khoảng thời gian bị kéo dài. Phí bảo hiểm bổ sung (nếu có) được tính căn cứ vào phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư này, tỷ lệ thời gian xây dựng kéo dài trên tổng thời gian xây dựng công trình theo văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và các yếu tố rủi ro khác.”

Tìm hiểu thêm các quy định  Chi phí, thời hạn bảo hành công trình xây dựng và nhà ở.

Phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng

Chi phí bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng sẽ căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 4 và Điều 22 về Phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm thông tư số 329/2016/TT-BTC đó là:

Điểm b khoản 3 Điều 4 quy định: “b) Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng: Quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này”. Đồng thời Điều 22 quy định về Phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm xác định cách tính chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn khảo sát, thiết kế xây dựng như sau:

“1. Phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng được xác định theo Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Đối với công trình xây dựng có giá trị dưới một nghìn (1.000) tỷ đồng và không thuộc các loại công trình xây dựng đê, đập, cảng, bến cảng, cầu cảng, bến tàu, đập chắn sóng và các công trình thủy lợi; các công trình xây dựng sân bay, máy bay, vệ tinh, không gian; các công trình sửa chữa và đóng tàu; các công trình xây dựng năng lượng trên biển và dưới nước; các dự án xe lửa, xe điện, tàu tốc hành và dự án ngầm dưới đất, hầm mỏ: Phí bảo hiểm và mức khấu trừ quy định tại khoản 1 Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với công trình xây dựng không quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ trên cơ sở bằng chứng chứng minh doanh nghiệp đứng đầu nhận tái bảo hiểm xác nhận nhận tái bảo hiểm theo đúng quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm và mức khấu trừ mà doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài phải được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s, “B++” theo A.M.Best hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác trong năm tài chính gần nhất năm nhận tái bảo hiểm.

2. Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp thời gian xây dựng công trình bị kéo dài so với thời gian quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải thỏa thuận về phí bảo hiểm bổ sung áp dụng cho khoảng thời gian bị kéo dài. Phí bảo hiểm bổ sung được tính căn cứ vào phí bảo hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này và tương ứng với thời gian thực hiện công việc tư vấn kéo dài.”

Phí bảo hiểm đối với công nhân thi công trên công trường

Định mức chi phí bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường sẽ thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư 329 như sau: “c) Đối với bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường: Quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.” Và căn cứ các quy định tại Điều 29 Thông tư:

“1. Phí bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường được quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Biểu phí bảo hiểm xây dựng là căn cứ để xác định chi phí số tiền đóng bảo hiểm trong hợp đồng và  tính chi phí hạch toán mua bảo hiểm cho công trình xây dựng, cách tính chi phí bảo hiểm trong dự toán xây dựng và tính giảm trừ thuế doanh nghiệp...

Tải các phụ lục thông tư 329/2016/TT-BTC về bảo hiểm công trình xây dựng tại đây

  • Phụ lục 1: Mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng
  • Phụ lục 2: Mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng
  • Phụ lục 3: Mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường
  • Phụ lục 4: Mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng
  • Phụ lục 5: Mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng
  • Phụ lục 6: Mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường
  • Phụ lục 7: Biểu phí bảo hiểm, phụ phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng
  • Phụ lục 8: Biểu phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp  tư vấn đầu tư xây dựng
  • Phụ lục 9: Biểu phí bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường
  • Phụ lục 10: Mẫu thông báo sự cố công trình xây dựng (đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng)/ thông báo yêu cầu đòi bồi thường của bên thứ ba (đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng) và yêu cầu bồi thường
  • Phụ lục 11: Mẫu thông báo tai nạn lao động,  bệnh nghề nghiệp và yêu cầu bồi thường
  • Phụ lục 12: Bảng trả tiền bồi thường bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường
  • Phụ lục 13: Báo cáo doanh thu phí bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng
  • Phụ lục 14: Báo cáo bồi thường bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng
  • Phụ lục 15: Báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng

4. Quy định hợp đồng bảo hiểm xây dựng mới nhất

Quy định ký kết hợp đồng bảo hiểm xây dựng

Theo quy định hợp đồng bảo hiểm công trình xây dựng trong khi thi công, bảo hiểm nghề nghiệp tư vấn xây dựng và bảo hiểm công nhân xây dựng được thực hiện giao kết theo trình tự tại Điều 6 Thông tư 329/206/TT-BTC như sau:

Bước 1: Bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin cho bên bán bảo hiểm

- Điền đầy đủ thông tin vào mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm công trình theo quy định như sau:

  • Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm Phụ lục 1.
  • Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn xây dựng: Mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm Phụ lục 2
  • Bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường: Mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm Phụ lục 3

- Cung cấp cho doanh nghiệp bán bảo hiểm xây dựng tài liệu liên quan trong Giấy, mẫu bảo hiểm công trình (nếu có) theo yêu cầu của từng đơn vị bán bảo hiểm.

Bước 2: Doanh nghiệp bán bảo hiểm xem xét, đánh giá rủi ro trước khi quyết định nhận bảo hiểm xây dựng để thỏa thuận hợp đồng, điều chỉnh tỷ lệ bảo hiểm đối với các công trình có rủi ro cao.

Bước 3: Ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa chủ đầu tư/nhà thầu tư vấn/nhà thầu thi công với doanh nghiệp bảo hiểm và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho bên mua.

rong đó:

  • Hợp đồng bảo hiểm phải đủ nội dung quy định tại Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
  • Chứng nhận bảo hiểm đúng mẫu Mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm công trình tại  Phụ lục 4, 5, 6 của thông tư 329/2016/TT-BTC theo từng loại bảo hiểm bắt buộc.

Ký kết hợp đồng bảo hiểm trong xây dựng công trình

Ký kết hợp đồng bảo hiểm trong xây dựng công trình

Chấm dứt, thanh lý hợp đồng bảo hiểm xây dựng

Điều 7 thông tư 329 về bảo hiểm xây dựng quy định vấn đề chấm dứt, thanh lý hợp đồng bảo hiểm xây dựng sẽ bao gồm các trường hợp sau:

- Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thanh toán phí bảo hiểm thỏa thuận, trừ trường hợp có thỏa thuận nợ phí bảo hiểm. Trong trường hợp này bên mua bảo hiểm phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

- Các bên trong hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng hoặc chấm dứt hợp đồng xây dựng theo quy định của pháp luật. Trường hợp này hậu quả pháp lý của việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng bảo hiểm là:

  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng bảo hiểm bên bán bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm phần phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng thừa (trừ thời gian đã tham gia bảo hiểm và chi phí hợp lý.
  • Bên mua bảo hiểm phải đóng bổ sung phần phí bảo hiểm còn thiếu.

- Các trường hợp chấm dứt khác theo quy định của pháp luật.

5. Thủ tục hồ sơ yêu cầu bảo hiểm công trình xây dựng

Các trường hợp quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong xây dựng

Điều 5 Thông tư 329 về bảo hiểm xây dựng xác định các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong xây dựng bao gồm:

  • Các thiệt hại, tổn thất công trình xây dựng mà có nguyên nhân phát sinh từ hành vi cố ý;
  • Các thiệt hại, tổn thất công trình xây dựng mà không mang tính chất ngẫu nhiên;
  • Các thiệt hại, tổn thất công trình xây dựng mà không lượng hóa được bằng tiền;
  • Các thiệt hại, tổn thất công trình xây dựng mà mang tính chất là thảm họa.

Các thiệt hại, tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm là: “Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.”

Quy trình, thủ tục yêu cầu bội thường bảo hiểm công trình xây dựng
Quy trình, thủ tục yêu cầu bội thường bảo hiểm công trình xây dựng

Thủ tục, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm xây dựng

Theo quy định khi các bên có giao kết hợp đồng bảo hiểm thì khi xảy ra sự kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm thì bên được bảo hiểm sẽ phải làm bảo hiểm công trình với các loại hồ sơ cho từng loại bảo hiểm như sau:

  • Điều 18 Thông tư quy định: Hồ sơ bồi thường bảo hiểm đối với công trình xây dựng đang thi công;
  • Điều 25 Thông tư quy định: Hồ sơ bồi thường bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn xây dựng;
  • Điều 32 Thông tư quy định: Hồ sơ bồi thường bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường;

Trên đây là toàn bộ những thông tin về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng bạn đọc có thể tham khảo để xác định các vấn đề thủ tục pháp lý, phạm vi, trách nhiệm, quyền lợi bảo hiểm khi có hoạt động đầu tư xây dựng hay người lao động làm việc trên các công trường xây dựng.

Phạm Hòa
Tin nổi bật
Tin mới nhất