“Bàn tay tội lỗi” tạo nên những bất ổn trên thị trường nhà đất
Hiện nay, thị trường nhà đất Đà Nẵng đang có những biết động do tác động lớn của giới cò môi giới nhà đất và đang trở thành vấn nạn càn dẹp loạn
Liều lĩnh khuấy động giá
Thị trường bất động sản (BĐS) luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường với các “cơn sốt” ảo. Tiếp tay cho những rủi ro đó chính là các “cò đất” - những người môi giới làm ăn chụp giật, thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để kiếm lời...
Mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng công an khẩn trương điều tra, làm rõ về việc phát hiện văn bản giả mạo nhằm tạo “cơn sốt” đất trên địa bàn. Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản giả mạo về việc Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, ký đồng ý chủ trương xây cầu nối từ khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) sang khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).
Cơn sốt đất ảo Đà Nẵng "có công lớn của cò đất"
Cụ thể, văn bản này đề ban hành vào ngày 31/10/2018 có nội dung: “Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Giao thông - Vận tải tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cầu nối từ đường Bùi Tá Hán sang khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác. Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông - Vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp, chỉ đạo tiến hành việc xây dựng cầu nêu trên đảm bảo theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành”... Ngay sau khi được tung lên mạng, giới “cò đất”, các sàn giao dịch BĐS đã nhanh chân thổi giá đất ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn và khu đô thị sinh thái Hòa Xuân lên cao ngất ngưởng...
Liên quan đến vụ việc này, theo ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, đơn vị đang phối hợp với lực lượng an ninh và cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông để truy xuất nguồn gốc phát tán văn bản này. Trên cơ sở đó sẽ phối hợp với công an thành phố để điều tra làm rõ mục đích, động cơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế, trên thị trường BĐS hiện nay có rất nhiều chiêu trò mà các đối tượng môi giới làm ăn bất lương đang thực hiện, phổ biến là thổi giá, tạo nên những “cơn sốt” ảo. Gần đây nhất là sự việc xảy ra tại Khu tái định cư Hòa Liên, huyện Hoà Vang cũng thuộc TP. Đà Nẵng. Theo đó, chỉ xuất phát từ một vài tin rao bán đất trên mạng của các đối tượng môi giới, giá đất ở khu vực đã leo cao ngất ngưởng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm “cò đất”, nhà đầu tư đã đổ dồn về khu vực để trao đổi, mua bán sang nhượng các lô đất.
Ông Hà Xuân Phước, một người dân ở Hoà Liên cho biết, trước khi xảy ra “cơn sốt” giá đất tại đây chỉ rơi vào khoảng 700 đến 800 triệu đồng với một lô đường 5,5m và tầm 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng với lô đường 7,5m... Tuy nhiên, đến khi xuất hiện các đối tượng “cò đất”, giá đất nơi đây đã lên đến mức hơn 1,5 tỷ đồng với các lô đường 5,5m và hơn 1,7 tỷ đồng với các lô đường 7,5m. Cá biệt, có những lô tăng lên đến hơn 2,1 tỷ đồng, gần gấp 3 lần trước đó mấy ngày...
Tuy nhiên, lên nhanh, nhưng xuống còn nhanh hơn. Sau khi kiếm được lời nhờ việc nhanh tay mua vào, bán ra, các đối tượng môi giới rút êm, thị trường BĐS ở khu vực lại trở về đúng giá trị thực. Chỉ báo hại cho những nhà đầu tư lỡ đua theo “cơn sốt”, khi ôm hàng vào với giá quá cao, giờ không biết cách nào để bán ra. Nhiều người đành ngậm bồ hòn làm ngọt, bỏ tiền mua thêm một bài học đắt giá trong kinh doanh BĐS.
Công khai, minh bạch thông tin giúp dẹp loạn cò đất
Công khai thông tin để dẹp “cò”
Có thể khẳng định, câu chuyện này đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại những địa phương có thị trường BĐS khá sôi động như, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hay Đà Nẵng. Đứng trước vấn nạn này, các cơ quan chức năng vẫn chưa có những giải pháp khắc phục triệt để, rốt ráo.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hiện có hơn 30 sàn giao dịch BĐS đã gửi thông báo hoạt động đến Sở Xây dựng và được Sở Xây dựng kiểm tra, đề nghị Bộ Xây dựng đăng tải trên Website các Sàn giao dịch BĐS Việt Nam theo đúng Luật Kinh doanh BĐS 2014, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ và Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 của Bộ Xây dựng... Trên thực tế, hiện nay việc quản lý hoạt động của các sàn giao dịch và đặc biệt là các đối tượng môi giới nhỏ lẻ vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Dù hệ thống pháp luật đã có đầy đủ quy định và chế tài xử lý, nhưng các sai phạm của hoạt động môi giới BĐS vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo một luật sư ở TP. Đà Nẵng, trên thực tế rất khó để xử lý hành vi thổi giá các sản phẩm BĐS. Bởi, BĐS cũng là một sản phẩm giao dịch trên thị trường, có người mua thì có người bán. Giá cả do hai bên tự thỏa thuận theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Nếu người mua cảm thấy giá người bán đưa ra quá đắt thì họ có quyền từ chối không mua. Chưa kể đối với hành vi quảng cáo gian dối thì phải thỏa mãn điều kiện là gây hậu quả nghiêm trọng thì mới có cơ sở để xử lý...
Trong khi đó, vấn nạn “cò đất” lộng hành đang để lại những hệ lụy nghiêm trọng, gây mất niềm tin. Bởi, khi cảm thấy những bất an, rủi ro nhà đầu tư có thể sẽ quay lưng lại với thị trường. Đồng thời, cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm môi giới BĐS chân chính, nghiêm túc với nghề... Bởi vậy, đã đến lúc chính quyền các địa phương cần có những giải pháp quản lý tốt hơn về thị trường BĐS, tránh các rủi ro cho khách hàng.
Theo nhiều người, một trong những giải pháp quan trọng là cần công khai, minh bạch thông tin liên quan đến các vấn đề về nhà đất, dự án. Thực tế hiện nay, các đối tượng “cò đất” làm ăn bất lương vẫn thường lợi dụng sự mập mờ thông tin về hạ tầng, dự án để thổi phồng thông tin. Những sự việc liên quan đến “sốt đất” ảo trên địa bàn TP. Đà Nẵng vừa qua, đều liên quan đến việc người dân và nhà đầu tư thiếu các thông tin.