Danh mục

Đất sân bay Nội Bài quy hoạch vẫn cứ hút người mua

10:39 - 06/09/2018
Quy hoạch sân bay Nội Bài nhưng khu đất phía nam cách sân bay 1km thuộc xã Phú Cường (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn diễn ra mua bán nhộn nhịp dù giá đất tăng.

Nằm ở phía Nam Cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài, cách sân bay khoảng 1km, cảnh người mua – người bán đất và nhà liền kề nhộn nhịp diễn ra tại xã Phú Cường (Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo quy hoạch của Chính phủ được phê duyệt năm 2008 tầm nhìn đến 2050, phương án xây dựng sân bay Nội Bài thứ hai đối diện sân bay hiện có sẽ được thực hiện sau năm 2020. Các hạng mục xây dựng mới gồm đường cất hạ cánh số 2A song song và cách đường cất hạ cánh 1B hiện nay 1,7km về phía nam; ga hành khách T3, T4 với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm nâng tổng công suất cụm cảng lên 50 triệu hành khách; ga hàng hóa, sân đỗ máy bay, xe tải…

Hai phương án mở rộng sân bay Nội Bài (Ảnh: Internet)

Phương án xây dựng nhà ga CHK Nội Bài mới (nhà ga T3, T4) và đường cất hạ cánh mới có diện tích 720ha, thuộc 3 xã Phú Minh, Phú Cường và Mai Đình của huyện Sóc Sơn, đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008. Như vậy, hàng trăm héc-ta đất tại xã Phú Cường sẽ nằm trong quy hoạch và dự kiến sẽ được giải tỏa tạo mặt bằng “sạch” sau năm 2020.

Tuy nhiên, điều đáng nói, mặc dù nằm trong diện quy hoạch giải tỏa nhưng cảnh người mua, người bán đất vẫn diễn ra tấp nập, thậm chí, giá đất liên tục tăng. Kể từ khi nhà ga T2 đang được xây dựng và đi vào hoàn thiện, từ một xã còn hoang vắng, Phú Cường nhanh chóng trở thành “cứ điểm” nhộp nhịp quán xá và đông dân cư.

Theo khảo sát của PV, giá đất nền trong ngõ dao động từ 7 – 10 triệu đồng/m2, trên trục đường chính thuộc xã Phú Cường, giá rơi vào 15 – 25 triệu/m2. Đối với phân khúc nhà liền kề, giá dao động từ 1 - 2 tỷ đồng với diện tích 50 – 70m2.

Ông Nguyễn Minh Lộc (Tân Trại, Phú Cường, Sóc Sơn), công nhân tại sân bay Nội Bài hơn 10 năm đang có nhu cầu tìm kiếm một mảnh đất để xây nhà. Ông chia sẻ: “Khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, xã Phú Cường đặc biệt thôn Tân Trại, nằm cách sân bay hơn 1km tăng rất nhanh về dân số. Công nhân làm việc tại sân bay đều về đây thuê nhà trọ. Một lượng lớn công nhân có tâm lý mua đất, xây nhà ổn định tại nơi đây”.

Cũng theo ông Lộc, dù nằm trong quy hoạch nhưng giá đất ở đây tăng nhanh liên tục. “Một mảnh đất nằm trong ngõ ở Tân Trại, vào tháng 3/2018, khi tôi khảo giá rơi vào 10 triệu đồng/m2. Đến tháng 5/2018, giá đã lên 14 – 16 triệu đồng/m2. Đất ở trục đường chính rơi vào 15 – 20 triệu đồng/m2. Đối với khu nhà liền kề, sau mở bán 3 tháng, tôi quay lại hỏi đã bán được 95%. Nhu cầu của người dân nhập cư vào Phú Cường khá cao”.

Khi được hỏi vì sao biết đất nằm trong quy hoạch nhưng vẫn muốn đất, xây nhà tại đây, ông Lộc cho hay: “Xã Phú Cường chỉ cách sân bay 1 – 3km nên việc di chuyển đi lại rất thuận tiện. Mặc dù biết Phú Cường thuộc quy hoạch nhưng tôi nghĩ việc giải phóng mặt bằng cũng khó khăn khi nơi đây đông dân cư, nhà cao tầng, biệt thự xây dựng nhiều. Nếu tiến hành giải tỏa cũng phải mất 10 năm nữa. Trong trường hợp giải tỏa, nhà ở của người dân cũng được đền bù. Bây giờ mua nhà ở xa cũng bất tiện vì đi lại”.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Ngọc Hải (nhân viên môi giới tại xã Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Sau khi nhà ga T2 đi vào hoạt động, lượng kỹ sư, nhân viên và công nhân đổ dồn về xã Phú Cường rất đông. Với mức thu nhập khá, đa phần họ đều có nhu cầu mua nhà tại đây. Dù biết sân bay sẽ mở rộng ra đây nhưng tâm lý người dân ở đây “không chỉ riêng mình bị thu hồi”, hay “đến đâu hay đến đây”. Một số gia đình còn xây dựng nhà cao kiên cố”.

Ông Hải cho rằng, bởi tâm lý đất Phú Cường nếu được giải phóng mặt bằng, giá đền bù sẽ cao nên một lượng lớn công nhân đều cố gắng bỏ tiền ra mua. Ông Hải cũng khẳng định, khu vực Phú Cường đông dân, nhiều dịch vụ nở rộ, lại có vị trí đẹp, sát sân bay nên nhu cầu mua ở đây vẫn tăng mạnh.

Tin nổi bật
Tin mới nhất