Tăng thêm sức hút cho thị trường BĐS "vệ tinh" Hà Nội
“Đâu là xu hướng chủ đạo nhất của thị trường bất động sản (BĐS) năm 2019?” là câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị Bất động sản 2018 (VRES 2018) mới đây.
Hội nghị Bất động sản 2018 (VRES 2018) mới đây được tổ chức tại TP HCM. (Ảnh: Hiếu Quân)
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Đại Việt nhận định chung, thị trường năm 2019 sẽ tiếp tục ổn định và có các bước điều chỉnh, quan tâm hơn về chất lượng.
Ông Quốc Anh chỉ ra một số xu hướng chủ đạo của thị trường địa ốc trong năm tới là BĐS công nghiệp sẽ phát triển hơn; và thị trường sẽ có sự phân bố lại, không chỉ phát triển sôi nổi ở Hà Nội, TP HCM, mà sẽ lan rộng ra các thành phố vệ tinh và ở lân cận hai thành phố lớn này. Năm tới, nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng mà thị trường đất đai các thành phố xung quanh Hà Nội và TP HCM sẽ phát triển rất tốt.
“Hiện nay, xuất hiện xu hướng các chủ đầu tư phát triển nhiều dự án ở khu vực lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc… do cơ sở hạ tầng được kéo rời ra khỏi trung tâm Hà Nội. Đây là sự điều tiết hợp lý của Chính phủ khi mà ở Việt Nam có xu hướng, cơ sở hạ tầng cứ phát triển ở đâu là giá đất ở đó sẽ tăng lên. Thị trường BĐS miền Bắc năm tới chắc chắn sẽ có nhiều hấp dẫn. Thực tế, thời gian vừa rồi, Bắc Ninh có giá đất tăng rất cao nhờ thông tin sắp có Bệnh viện Quốc tế”, ông Quốc Anh thông tin.
Theo các diễn giả, phát triển BĐS công nghiệp, thị trường địa ốc các tỉnh vùng ven sôi động, ứng dụng công nghệ 4.0, ưu tiên "sống xanh"... là những xu hướng chủ đạo của thị trường địa ốc năm 2019. (Ảnh: Hiếu Quân)
Tiếp cận ở một góc độ khác, ông Trần Lâm Bình, Giám đốc IMM Property (công ty chuyên môi giới cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) cho rằng, khi nhắc đến xu thế phát triển BĐS năm 2019 nhất định phải nhắc đến “chuẩn hóa”. Hiện tại, không ít nhà phát triển dự án BĐS của Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề về pháp lý.
“Khi đưa dự án ra hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài bị vướng vấn đề thủ tục hay vấn đề chi phí đầu tư bởi nhiều dự án pháp lý chưa rõ ràng, chi phí mời gọi đầu tư còn cao. Năm tới, nguồn vốn FDI vào Việt Nam nói chung và đổ vào lĩnh vực BĐS nói riêng dự kiến sẽ còn cao hơn năm 2018. Bản thân công ty tôi đang nhận rất nhiều yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia hay Hồng Kông… muốn tìm đối tác Việt Nam để cùng phát triển dự án. Vấn đề đầu tiên các nhà đầu tư ngoại này quan tâm cũng chính là pháp lý”, ông Bình khẳng định.
Còn Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Phúc Khang, ông Trương Anh Tú thì bổ sung thêm ý kiến, ngoài chất lượng thì khách hàng của năm 2019 sẽ quan tâm nhiều hơn đến hai yếu tố “môi trường sống” và “công nghệ 4.0”.
Theo ông Tú, không phân biệt bất cứ phân khúc hay quy mô thị trường nào, khách hàng đều hướng đến xu hướng tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, nhà phát triển dự án BĐS hướng đến câu chuyện sức khỏe, tạo môi trường gần gũi với thiên nhiên cho khách hàng trong dự án… Xu hướng “sống xanh” này đã được nhiều người nhắc đến từ hai năm trước nhưng khi đó khái niệm này vẫn rất khó lý giải, tuy nhiên gần đây xu hướng này đã định hình rất rõ nét.
“Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh một xu hướng mới – đó là áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển dự án BĐS. Công nghệ 4.0 sẽ được tích hợp vào quản lý (trong tiện ích, chức năng, dịch vụ…) tòa nhà, tất cả các dịch vụ có thể được tích hợp trong một App duy nhất và chỉ cần ‘một nút chạm tay’. Công nghệ giúp chủ nhà kiểm soát việc sử dụng năng lượng, thậm chí trong tương lai, khi phát triển điện năng lượng mặt trời, ta có thể bán điện năng lượng mặt trời cho mạng lưới điện quốc gia… Vì vậy, những chủ đầu tư đi tien phong trong áp dụng công nghệ 4.0 chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh trong tương lai”, ông Tú dự báo.